Cơ hội cho sự phát triển cho những ứng dụng đất hiếm ở Việt Nam
Đất hiếm được biết đến là một loại khoáng sản có giá trị rất đặc biệt, và nó được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực sản xuất khác nhau trên nền công nghệ kỹ thuật cao. Và một điều đáng nói là Việt Nam là quốc gia có trữ lượng đất hiếm khá lớn với trên 10 triệu tấn ở mức thăm dò và nghiên cứu. Tuy nhiên nước ta vẫn chưa khai thác hết giá trị của đất hiếm vào công tác ứng dụng thực tiến. Dẫu vậy cùng với những bước đột phá trong khoa học công nghệ, sự phát triển của ngành đất hiếm là ở nước ta là rất có triển vọng.
Như chúng ta đã biết quá trình khai thác đất hiếm trên thế giới đã bắt đầu diễn ra từ những năm 50 của thế kỷ XX . Thoạt đầu chủ yếu khai thác các sa khoáng monazit tồn tại trên các bãi biển. Nhưng vì monazit có ảnh hưởng xấu đến môi trường xung quanh nên việc khai thác có phần bị hạn chế.
Sau đó không lâu, từ việc khai thác đất hiếm được diễn ra chủ yếu tại Mỹ và dần dần mở rộng ra ở nhiều nước khác trong đó nổi bật là Trung Quốc – một quốc gia có trữ lượng đất hiếm lớn nhất thế giới. Và từ đó đến nay đất hiếm được ứng dụng rộng rãi trong các ngành công nghệ cao như công nghệ thực phẩm, y tế, gốm sứ, máy tính…Đặc biệt đất hiếm được ứng dụng để chế tạo ra các loại nam châm vĩnh cửu, nam châm đất hiếm…
Trong khi đó Việt Nam cũng được xem là một trong những quốc sở hữu nguồn tài nguyên đất hiếm lớn. Theo kết quả nghiên cứu và tìm kiếm từ những năm cuối thập niên năm mươi của thế kỷ trước cho đến nay, chúng ta đã phát hiện được nhiều điểm tụ khoáng đất hiếm trên cả nước trong đó tập trung chủ yếu ở khu vực Tây Bắc. Một số địa điểm đáng chú ý có trữ lượng khá lớn như Bắc Nậm Xe, Nam Nậm Xe, Đông Pao ở tỉnh Lai Châu, Mường Hum ở Lào Cai hay Yên Phú ở Yên Bái. Ngoài ra còn có một số nơi được phân bố ở thềm sông suối như ở Nghệ An, hay ven biển như ở Hà Tĩnh, Thừa Thiên Huế… tuy nhiên trữ lượng không lớn lắm.
Mặc dù có nhiều tiềm năng để đưa công nghiệp khai thác và chế biến đất hiếm trở thành một ngành phát triển chiến lược nhưng nguồn tài nguyên quý này mới chỉ dừng lại ở mức độ khai thác nhỏ lẻ, manh mún. Đó là chưa kể công nghệ khai thác còn thô sơ, còn lạc hậu nên công suất cũng như hiệu quả khai thác thấp và đặc biệt không hể tách hết các nguyên tố hiếm ra khỏi quặng.
Trung bình mỗi năm, Việt Nam mới chỉ khai thác được một lượng nhỏ vào khoảng vài chục tấn quặng banexit ở khu vực Tây Bắc và vài ngàn tấn quặng monazit ở ven biển miền Trung. Đáng chú ý là đất hiếm đã được nghiên cứu và ứng dụng đất hiếm trong các lĩnh vực nông nghiệp, chế tạo nam châm vĩnh cửu, làm chất xúc tác trong xử lý khí thải đối với ôtô… Tuy nhiên dường như vẫn dừng lại ở quy mô phòng thí nghiệm và bán công nghiệp nên sự phổ biến là chưa có.
Có thể khẳng định đất hiếm là khoáng sản có ý nghĩa chiến lược cũng như có giá trị đặc biệt quan trọng không thể thay thế trong các lĩnh vực điện tử, kỹ thuật nguyên tử, công nghiệp hóa chất,chế tạo máy cũng như trong lĩnh vực luyện kim lẫn chăn nuôi và trồng trọt. Và dường như người ta không thể không ứng dụng đất hiếm để sản xuất các chất xúc tác, nam châm vĩnh cửu, nam châm đất hiếm, các hợp kim, bột mài…để chế tạo các máy điện thoại di động, ổ đĩa cứng máy tính, máy tuyển từ… Bởi sự phát triển của nhân loại thì những thiết bị này là vô cùng cần thiết.
Và hiện nay, một tín hiệu đáng mừng là Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt và đồng ý về nguyên tắc giao cho Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam chỉ đạo Vimico khẩn trương hoàn thiện hồ sơ để trình Bộ TN&MT cấp phép khai thác theo quy định của Luật Khoáng sản tại mỏ đất hiếm Đông Pao. Đây được xem là mỏ đất hiếm lớn nhất tại nước ta. Điều này đang mở ra một hướng đi mới cho ngành khai thác và chế biến cũng như ứng dụng đất hiếm ở nước ta. Trong tương lai không xa nó sẽ thực sự phát triển và khẳng định được vai trò của mình. Và không sai khi các nhà khoa học gọi đất hiếm là những nguyên tố của tương lai.
Tuy nhiên để có thể khai thác hiệu quả và bền vững loại khoáng sản quý này, yếu tố đảm bảo an toàn đối với môi trường cần được cân nhắc kỹ lưỡng và cẩn thận. Cần phải chú trọng đến công tác phòng ngừa ô nhiễm ngay từ khi xem xét đầu tư dự án cũng như kiểm soát ô nhiễm tối đa sau khi dự án được đưa vào vận hành.